Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật là Nguyễn Thị Vịnh), sinh ngày 30/9/1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh theo học chữ quốc ngữ tại trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, Nguyễn Thị Vịnh được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.
Năm 1926, Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia phong trào đấu tranh tại Vinh, vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927 (khi mới 17 tuổi), Nguyễn Thị Vịnh gia nhập Việt Nam Cách mạng đảng, lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Tháng 3 năm 1930, Đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước. Từ năm 1931 - 1933, Đồng chí bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Ra tù, Đồng chí tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng và đến Thượng Hải công tác trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935, Đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1936, Đồng chí tham gia khóa học ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông; đầu năm 1937, Đồng chí được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Thẻ đại biểu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 năm 1935.
Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn - Sài Gòn, bị tra tấn hết sức dã man. Sáng ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí khác bị giặc đem ra xử bắn ở Hóc Môn.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta những bài học quý báu về một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
- Giàu lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất và dạt dào tình cảm
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, khắc nghiệt nhưng lại có nền văn hiến lâu đời, có truyền thống cách mạng nên ngay từ nhỏ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã được thừa hưởng nền văn hóa đầy tính nhân văn sâu sắc..Chứng kiến cuộc sống của người dân nghèo, thân phận của người phụ nữ với bao tủi nhục, lầm than, đau đớn, không được đối xử bình thường dưới chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến, cảnh lầm than của quê hương, đã tác động mạnh mẽ đến đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, thôi thúc đồng chí tham gia vào các hoạt động cách mạng từ rất sớm. Đồng chí tích cực hoạt động trong phong trào công nhân thành phố Vinh và vào tổ chức Phục Việt và được bầu vào Ban Chấp hành đại tổ, phụ trách công tác vận động phụ nữ trên địa bàn.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là con đường đầy chông gai, đau khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Với tinh thần kiên trung, bất khuất, đồng chí đã một lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng. Đồng chí đã lấy chính bản thân mình, khí tiết của mình để tuyên truyền, giáo dục và cảm hóa quần chúng theo Đảng.
- Chiến sĩ cách mạng tiên phong, nhà lãnh đạo tài năng và khí phách
Là một ủy viên của Xứ ủy Nam Kỳ và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, với trọng trách là Bí thư, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách năng động những nhiệm vụ, công tác đó là: củng cố Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát triển mạnh mẽ và sâu rộng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân; không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng; kiên trì và triệt để đấu tranh chống lại những khuynh hướng tư tưởng phản động.
Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, về sự kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân, về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng- bình thản đối diện với cái chết và sự tàn bạo của kẻ thù, dù phải chết, dù phải hy sinh tính mạng, nhưng không hề nao núng, không khuất phục, không bao giờ đầu hàng.
- Phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống, nhưng khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tinh thần đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là bất tử. Tên tuổi sự nghiệp của đồng chí mãi mãi sống trong lịch sử quang vinh của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một người con trung hiếu của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một Bí thư Thành ủy mẫu mực, một tấm gương sáng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Đồng chí đã hiến dâng trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, một tấm gương quên thân vì nước, hy sinh vì lý tưởng.
Cả cuộc đời đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tấm gương anh dũng hy sinh của đồng chí luôn sáng ngời, tấm gương về chiến sĩ cộng sản kiên cường, trước hiểm nguy không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục; nén những tình cảm riêng tư của mình để hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời con cháu mai sau.
Tiếp nối và phát huy truyền thống cao quý đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Trường Đại học Nha Trang tiếp tục vượt qua mọi khó khăn và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động của các đơn vị. Đồng thời thể hiện vai trò, vị trí của mình trên con đường phát triển của đât nước nói chung và của Nhà trường nói riêng.
Trần Thị Tân – Khoa KH Xã hội và Nhân văn
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)