Khi còn trên ghế trường tiểu học Pháp-bản xứ, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành biết đến ba từ đẹp đẽ: Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Thế nhưng có thực sự tự do, có bình đẳng, hay bác ái nào dành cho dân tộc ta không, hay chỉ có chết chóc, đau thương dưới gót giày, họng súng và lưỡi lê của bọn thực dân? Đó là những câu hỏi luôn xoáy sâu trong tâm trí người niên thiếu ấy. Để rồi ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn với toàn thể dân tộc Việt Nam đã được ghi dấu: Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Với hành trang là lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, ôm ấp khát vọng lớn lao tìm ra con đường cứu nước, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, Người chọn nước Pháp là nơi dừng chân đầu tiên khi sang phương Tây. Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước, khác với những con đường mà các bậc tiền bối đã lựa chọn:
Thứ nhất, Nguyễn Tất Thành đã nhận ra những hạn chế của các nhà yêu nước đương thời về lập trường giai cấp trong việc xác định mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ cách mạng; về phương thức, phương pháp đấu tranh; về nhận thức “bạn - thù” của cách mạng Việt Nam. Đây chính là những bài học, những cơ sở lịch sử đầu tiên để trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc có sự lựa chọn đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, hành trang ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là tình yêu nước của Người gắn liền với lòng yêu thương dân vô hạn. Do đó, mục tiêu nhất quán của Nguyễn Tất Thành là phải tìm con đường để vừa giành độc lập cho Tổ quốc, vừa mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa Nguyễn Tất Thành với các nhà yêu nước đương thời, đã dẫn đến những hệ quả khác nhau trong tư duy, trong hoạt động thực tiễn và cả trong việc lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, mục đích ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là đi tìm con đường, cách thức (phương pháp) đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào, chứ không phải đi cầu viện bên ngoài như các bậc tiền bối đi trước. Người nói: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Thứ tư, hướng đi của Nguyễn Tất Thành là sang Pháp, đi về phương Tây tìm đường cứu nước. Người bị hấp dẫn bởi những lý tưởng cao đẹp “tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản Pháp, Mỹ. Đi sang Pháp, tìm hiểu tận gốc kẻ thù đang đàn áp, nô dịch dân tộc mình, để từ đó có phương pháp và vũ khí phù hợp đánh đuổi chúng. Đây là điều lý giải vì sao Nguyễn Tất Thành không đi phương Đông mà đi phương Tây tìm đường cứu nước.
Thứ năm, cách đi của Nguyễn Tất Thành là hoàn toàn tự lực trong cuộc sống và trong lao động để tìm đường cứu nước. Người nói với một người bạn trước lúc đi “Chúng ta làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Từ làm phụ bếp, cào tuyết trong một trường học, đốt lò, làm vườn, làm thợ rửa ảnh…Người đã trải qua 12 nghề để nuôi một nghề, đó là nghề chính trị. Lao động chỉ là phương tiện để sống, còn mục tiêu của Người là tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do hạnh phúc cho đồng bào tôi. Đó là tất cả những gì tôi hiểu, những gì tôi muốn”. Chính việc trải qua quá trình lao động, Người đã hòa mình, gần gũi với cuộc sống của nhân dân lao động, hiểu được nỗi thống khổ, hiểu được nguyện vọng và ý chí, năng lực của họ và đồng cảm với họ.
Thứ sáu, đi từ thực tiễn đến lý luận. Bằng lao động thực tiễn, Người đã lăn lộn với những người lao động và cuộc đấu tranh của nhân dân các nước, với tầm hiểu biết rộng lớn và vốn thực tiễn sâu sắc, phong phú. Nguyễn Tất Thành đã nhận thức về thời đại theo một lập trường và quan điểm mới so với các nhà yêu nước đương thời:
- Nguyễn Tất Thành đã hiểu rõ được đối tượng của cách mạng thế giới là chủ nghĩa thực dân đế quốc nói chung. Vì ở bất kỳ đâu, chủ nghĩa đế quốc cũng tàn bạo, bất công và độc ác.
- Nhân dân lao động ở các nước thuộc địa hay ở chính quốc cũng đều bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, bóc lột. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng thế giới.
Từ nhận thức trên, Người rút ra kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thất mà thôi: tình hữu ái vô sản”.
Từ những cơ sở thực tiễn này đã hình thành ở Nguyễn Ái Quốc những quan điểm cơ bản về sự nhận diện đúng kẻ thù chung của cách mạng thế giới; nhận thức đúng đắn về lực lượng cơ bản của cách mạng thế giới, cũng như hình thành tư tưởng về đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc bị áp bức trên thế giới với dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình.
Thứ bảy, tư duy độc lập, trí tuệ tuyệt vời của Nguyễn Ái Quốc. Khác với các nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Ái Quốc có một phương pháp nghiên cứu độc lập, tự chủ, sáng tạo, đem lý luận đối chiếu với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu chuẩn đánh giá các học thuyết, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới có chọn lọc. Từ đó Nguyễn Ái Quốc đã sớm phác thảo đường lối cứu nước từ năm 1921 và thể hiện tập trung trong tập bài giảng ở lớp chính trị tại Quảng Châu, năm 1927 được in thành sách lấy tên là “Đường Kách mệnh”.
Thứ tám, trong vòng 10 năm (1911-1920) Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu, khảo sát. Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục và đặt chân lên khoảng 30 nước. Là một trong những nhà chính trị đã đi nhiều nhất, có vốn hiểu biết phong phú nhất về thực tế các nước thuộc địa, cũng như các nước tư bản đế quốc chủ yếu trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Nhờ đó, Người đã hiểu bản chất chung của chủ nghĩa đế quốc và màu sắc riêng của từng nước đế quốc khác nhau, đã hiểu được trình độ phát triển cụ thể về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…của nhiều nước thuộc địa cùng cảnh ngộ. Trải qua quá trình thực tiễn, đi từ quá trình từ đấu tranh ngôn luận, đến đấu tranh nghị trường và sự tiếp cận đến với chủ nghĩa Mác-Lênin vào những năm 20 của thế kỷ XX, từ đây chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một người Cộng sản giác ngộ lập trường, quan điểm vô sản và quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.
* Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ cách mạng của nhân dân Việt Nam, cả cuộc đời, Người đã cống hiến, hy sinh cho dân tộc. Người đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, đáp ứng khát vọng giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam. Ngày 5/6/1911 trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là đối với cả dân tộc Việt Nam. Khát vọng “độc lập, tự do, hòa bình và phát triển” đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam kế tục và thực hiện, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kỷ niệm 113 năm, mốc son chói lọi, vẫn thắm tươi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, kỷ niệm sự kiện ý nghĩa này chính là dịp để các thế hệ trẻ sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường Đại học Nha Trang nói riêng nhìn lại những cống hiến to lớn, hành trình tìm đường cứu nước đầy gian khổ của Người đối với dân tộc. Những bài học rút ra từ hành trình tìm đường cứu nước của Người sẽ luôn có ý nghĩa thiết thực, tỏa sáng với thời gian, là hành trang quý báu cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Nhớ ơn và học tập Bác, mỗi bạn trẻ cần xác định được mục đích, lý tưởng của mình, nỗ lực hơn trong học tập, tự rèn luyện, không ngừng sáng tạo để thực hiện sứ mệnh cao cả xây dựng đất nước Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Đó cũng là cách để thế hệ trẻ Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đến Người./.
TS. Lưu Mai Hoa – Khoa KHXH&NV