Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CTTW, ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.
Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: gần 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; liệt sĩ: gần 1.2 triệu người; thân nhân liệt sĩ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 139.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; bệnh binh: gần 185.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 320.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện cả nước có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân.
Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để mỗi đảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên Trường Đại học Nha Trang tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân đối với những anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục têu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV