Cách đây vừa trong 93 năm, ngày 16/7/1930, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, Đảng bộ huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) đã vận động quần chúng nhân dân, tiến hành cuộc biểu tình chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến.
Theo kế hoạch đã dự định, đúng 5 giờ sáng ngày 16/7/1930, đông đảo đồng bào các vùng Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Quang Đông... đã tập trung tại vùng núi ổ Gà phía Đông làng Cây Chò (Văn Định Thượng) rồi xuống đường kéo vào huyện lỵ. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến”, “Đả đảo khủng bố”, “Giảm sưu, giảm thuế, bỏ thuế chợ, tăng giá lúa”, “ủng hộ phong trào công nông Nghệ - Tĩnh”, “ ủng hộ Liên bang Xô Viết”. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, tên tri huyện Đinh Bá Cẩn và bọn nha lại kinh hoàng, run sợ, không dám có hành động chống đối, phải cúi đầu chấp nhận ký vào bản yêu sách cách mạng của Nhân dân. Thừa thắng, đoàn biểu tình tỏa về các ngã đường biểu dương lực lượng, một bộ phận tập trung trước chợ Dinh tổ chức mít tinh, chợ đang đông người cùng tập trung tới nghe. Đồng chí Dương Chước giải thích vắn tắt đường lối cách mạng, kể tội ác của thực dân phong kiến, kêu gọi đồng bào tiếp tục đoàn kết đấu tranh đòi lại quyền lợi đã bị chúng cướp đoạt. Khi dứt lời, tiếng trống lệnh phát ra, đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu, rồi hòa nhập vào dòng người trong chợ, kết thúc thắng lợi cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình Ngày 16/7/1930 của Nhân dân huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai là cuộc biểu tình có tính chính trị và quy mô lớn đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa và Nam Trung Bộ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và của Xứ ủy Nam kỳ, đã giành được thắng lợi; nối tiếp cuộc đấu tranh nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5 của công nhân Trường Thi, Bến Thủy (tỉnh Nghệ An), góp phần châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931.
Thắng lợi của cuộc biểu tình Ngày 16/7/1930 đã giáng đòn bất ngờ làm xáo động bộ máy thống trị của đế quốc và quan lại ở đây, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, hòa vào trào lưu chung của phong trào cách mạng cả nước, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Cuộc biểu tình chứng minh ý thức chấp hành chủ trương của Trung ương một cách nghiêm túc, sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - một Đảng bộ vừa mới thành lập chưa đầy 5 tháng. Đồng thời cũng chứng minh tinh thần yêu nước và cách mạng của Nhân dân Khánh Hòa, ngay từ khi có Đảng đã đi theo con đường cách mạng của Đảng.
Tinh thần cách mạng cuộc biểu tình Ngày 16/7/1930, gương chiến đấu của những người đảng viên Đảng Cộng sản và quần chúng giác ngộ luôn được tỏa sáng và có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiện nay và các thế hệ mai sau.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện lịch sử này, ngày 17/12/2002, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định lấy ngày 16/7 hàng năm là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Phát huy truyền thống vẻ vang trong chiến đấu vào sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV