Theo các nguồn tài liệu trong các bộ sử của nước ta, vào mùa Xuân năm Quý Tỵ 1653, trong tiến trình mở rộng cương giới Tổ quốc Đại Việt (nay là Việt Nam), theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần, cai cơ Hùng Lộc Hầu đã lấy vùng đất từ bờ Bắc sông Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận ngày nay) ra đến núi Đá Bia - Đèo Cả (ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) đặt dinh Thái Khang.
Về mặt hành chính, dinh Thái Khang được chia thành hai phủ là phủ Thái Khang (huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa ngày nay) và phủ Diên Ninh (thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh và các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và một phần phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận ngày nay).
Như vậy, với việc đặt dinh Thái Khang và phân chia các đơn vị hành chính, chúa Nguyễn đã đưa vùng đất Khánh Hòa ngày nay hội nhập vào lãnh thổ Ðại Việt. Sự kiện lịch sử này được coi là mốc thời gian mở đầu cho sự hình thành địa phận hành chính tỉnh Khánh Hòa ngày nay.
1. Vùng đất Khánh Hòa từ năm 1653 đến năm 1885
Năm Canh Ngọ 1690, thuộc đời chúa Nguyễn Phúc Trăn, phủ Thái Khang được đổi là phủ Bình Khang và cũng lấy luôn tên gọi dinh Bình Khang.
Năm 1742, thuộc đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh.
Năm 1744, nền tổ chức hành chính nhà Nguyễn ở Đàng Trong được sắp xếp lại, đúc ấn quốc vương, phủ chúa gọi là điện, truy tôn vương hiệu các đời chúa, đổi các cơ quan trực thuộc phủ chúa làm lục bộ, chia lãnh thổ Đàng Trong (Từ sông Gianh ở Quảng Bình đến Cà Mau) làm 12 dinh, trong đó có dinh Bình Khang gồm hai phủ Bình Khang và Diên Khánh.
Năm 1771, ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) dấy binh đánh Chúa Nguyễn. Chỉ ba năm sau, Quân Tây Sơn đã kiểm soát vùng đất kéo dài từ Quy Nhơn đến Bình Thuận.
Năm 1793, quân Nguyễn chiếm lại các phủ Diên Khánh, Bình Khang, xây dựng Thành Diên Khánh, lập lại dinh Bình Khang, dời lỵ sở đặt tại Thành Diên Khánh.
Tháng 7/1802, Nguyễn Ánh đánh bại triều Tây Sơn, mở ra triều Nguyễn với niên hiệu Gia Long. Năm 1803, dinh Bình Khang được đổi thành dinh Bình Hòa, phủ Bình Khang được đổi thành phủ Bình Hòa.
Năm Gia Long thứ 7 (1808), triều Nguyễn tiến hành một cuộc cải cách hành chính lần đầu trên quy mô toàn quốc. Các dinh được đổi thành trấn. Đến năm 1831, phủ Bình Hòa đổi tên là phủ Ninh Hòa. Tháng 10/1832 vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lần thứ 2, các trấn được gọi là tỉnh và thành lập 31 tỉnh trên toàn quốc. Vì vậy trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Vào thời điểm đó, tỉnh Khánh Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Ðiền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Ðịnh, tỉnh lỵ là Phủ Diên Khánh.
2. Khánh Hòa từ năm 1885 đến tháng 8 năm 1945
Mùa thu Ất Dậu 1885, thực dân Pháp đánh chiếm Khánh Hòa. Từ đây cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới chính quyền thực dân và phong kiến, địa giới và tổ chức hành chính có những thay đổi.
Năm 1888, vua Đồng Khánh nhập vùng đất huyện An Phước, phủ Ninh Thuận của tỉnh Bình Thuận và 7 xã của huyện Tuy Phong, 2 tổng của huyện Hòa Đa sáp nhập vào huyện Vĩnh Xương. Địa giới tỉnh Khánh Hòa được mở rộng thêm.
Năm 1901, khi phủ Ninh Thuận được đặt thành đạo Ninh Thuận thì các phần đất cắt nói trên đây được trả về Ninh Thuận. Từ đây, tỉnh Khánh Hòa có 2 phủ và 4 huyện. Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Điền và Vĩnh Xương. Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Định.
Ngày 19/01/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định giải thể Trung tâm hành chính Củng Sơn của tỉnh Phú Yên. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số này cùng với vùng M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) được nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1923, tỉnh Đắk Lắk được thành lập, phần đất trên lại được tách ra khỏi tỉnh Khánh Hòa, giao cho tỉnh Đắk Lắk quản lý.
Dưới thời vua Duy Tân (1907 - 1916), một phần đất huyện Vĩnh Xương được tách ra, thành lập huyện Cam Lâm, bỏ huyện Phước Điền giao cho phủ Diên Khánh quản lý, bỏ huyện Quảng Phước giao cho phủ Ninh Hòa quản lý. Tỉnh Khánh Hòa còn 2 phủ, 3 huyện là Cam Lâm, Vĩnh Xương và Tân Định.
Năm 1924, nhận thấy Nha Trang có vị trí ngày càng quan trọng, trong tương lai có thể phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Vì vậy, vua Khải Định đã ban hành Dụ ngày 11/6/1924, được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng Nghị định ngày 30/6/1924, thiết lập thị trấn Nha Trang.
Tháng 10/ 1931, sau khi quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) hoàn thành nối liền huyện Tân Định với Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), huyện Tân Định trở nên phồn thịnh, có vị trí quan trọng, chính quyền thực dân Pháp quyết định đổi huyện Tân Định thành phủ Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa ngày nay), phần đất còn lại đổi thành huyện Vạn Ninh.
Ngày 15/3/1944, vua Bảo Đại ban hành Dụ số 9 được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bởi Nghị định ngày 22/6/1944 chuyển thị trấn Nha Trang lên thành Thị xã Nha Trang.
3. Khánh Hòa từ 1945 đến nay
Mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Khánh Hòa thuộc về chính quyền cách mạng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, hết thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ trở lại đánh chiếm Khánh Hòa. Nhân dân Khánh Hòa đứng lên chống Pháp, chống Mỹ ròng rã hơn 30 năm. Trong suốt chặng đường đó, địa lý hành chính tỉnh Khánh Hòa cả về phía địch và phía ta từng lúc, từng nơi có những thay đổi để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của các bên.
Sau Đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tháng 11-1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh.
Ngày 28/12/1982, Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 4 đã quyết định sáp nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước, nhằm tạo điều kiện phù hợp cho mỗi địa phương có thể phát huy cao độ mọi tiềm năng của mình, ngày 01/7/1989, theo quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII (kỳ họp thứ năm), tỉnh Phú Khánh được tách thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố (Nha Trang, Cam Ranh), 01 thị xã (Ninh Hòa) và 6 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Trường Sa)./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV
(Theo tài liệu tuyên truyền Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển của BTG Tỉnh ủy Khánh Hòa)