Cách đây vừa tròn 90 năm, ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trải qua các thời kỳ hoạt động với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất, không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới.
1. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1930 – 1945)
Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam làm nhiệm vụ tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành đấu tranh giành chính quyền. Các hình thức tổ chức hoạt động của Mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh (1941)
Ngày 25/10/1941, thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8, Việt Nam độc lập đồng minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Nhờ có chính sách đúng, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân mà tổ chức và phong trào Việt Minh phát triển nhanh chóng và lan rộng ra khắp nước.
Tháng 12-1944, thay mặt Tổng bộ Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra Chỉ thị thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân vào ngày 22.12.1944
Ngày 09/3/1945 Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Nhân sự kiện này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Ðảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị đó, cao trào cách mạng xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm sáu tỉnh được thành lập. Lợi dụng thời cơ phát-xít Ðức đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào đứng lên dưới ngọn cờ của Việt Minh, hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Tổng bộ Việt Minh triệu tập Ðại hội quốc dân tại Tân Trào trong hai ngày 16 và 17-8-1945, Ðại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Ðảng Cộng sản Ðông Dương kiến nghị, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và mười chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. “Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, Ủy ban Nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 02/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
2. Thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1946 -1975)
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể. Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt). Ngày 29/5/1946 Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tuyên bố thành lập. Cương lĩnh của Hội chỉ rõ: “Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập – thống nhất – dân chủ – phú cường”.
Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ngày 3-3-1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thực sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt, ngày 5-9-1955, tại Hà Nội.
Tại miền Nam, từ cao trào đấu tranh của nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Trong quá trình hoạt động, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày 20-4-1968, trong khí thế của tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn. Từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ nhân dân. Sau khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận giữ vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
Từ ngày 31/01 đến 04/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền góp phần làm nên những thắng lợi to lớn của 34 năm đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức và sinh viên Trường Đại học Nha Trang nhận thức và tin tưởng sâu sắc hơn về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ, đảng viên, viên chức và sinh viên Nhà trường nguyện ra sức đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường lần thứ XXI, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Nhà trường trở thành một cơ sở giáo dục đại học phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục têu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Ngô Văn An – Khoa KH xã hội và Nhân văn