Tiền thân của Trường Đại học Nha Trang ngày nay là Khoa Thủy sản thuộc Học viện Nông Lâm (năm 1959). Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trường đã vinh dự được nhận nhiều huân chương cao quý do Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 1986, Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 1989, Huân chương Độc lập hạng Ba, năm 1994, Huân chương Độc lập hạng Nhì, năm 1999, Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 2004, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, năm 2006. Đạt được những thành quả to lớn đó là công sức của lớp lớp các thế hệ cán bộ và sinh viên Nhà trường qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, đặc biệt phải kể đến thế hệ cán bộ và sinh viên Khoa Thủy sản giai đoạn 1959 -1966.
Đứng trước yêu cầu xây dựng và phát triển ngành thủy sản phục vụ cho công cuộc khôi phục kinh tế và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, ngày 01/8/1959, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm ký Nghị định số 21-NL/TC/NĐ, thành lập Khoa Thủy sản trực thuộc Học viện Nông Lâm. Khoa có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học kỹ thuật về thủy sản. Dấu mốc quan trọng này đã mở đầu cho sự nghiệp đào tạo cán bộ có trình độ đại học cho ngành Thủy sản Việt Nam nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thủy sản của đất nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”.
Tháng 9/1959, Khoa Thủy sản khóa 1 tiếp nhận 151 sinh viên nhập học, được chia thành ba lớp: Nuôi cá 1, Chế biến 1 và lớp Đánh cá 1.
Lớp Đánh cá 1 (khóa I), Khoa Thủy sản thực tập tạị xí nghiệp đánh cá Hạ Long (17/12/1960)
Năm học 1959 – 1960, do số lượng sinh viên của Học viện tăng lên, được phép của Bộ Nông - Lâm, Học viện chuyển từ địa điểm Văn Điển về cơ sở mới ở Trại Bông (xã Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất ban đầu còn khó khăn, phải sinh hoạt, học tập trong những ngôi nhà tranh tre dựng tạm, nhưng thầy và trò Khoa Thủy sản với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức, chung lòng vì sự phát triển của ngôi trường thân yêu đã tự khắc phục mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, học tập, lao động và trở thành đơn vị xuất sắc của Học viện Nông Lâm.
Lớp Nuôi cá 1 (khóa I) lao động xây dựng trại cá Quý Kim – Đồ Sơn – Hải phòng (1960)
Năm 1963, Khoa Lâm học của Học viện Nông Lâm tách thành Trường Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông Lâm được đổi tên thành Trường Đại học Nông nghiệp. Khi đó, Khoa Thủy sản trở thành Khoa trực thuộc Trường Đại học Nông nghiệp với 12 lớp và gần 500 sinh viên, 53 cán bộ giảng dạy và quản lý. Bên cạnh sự gia tăng số lượng đội ngũ cán bộ và sinh viên, chất lượng công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các phong trào đoàn thể của Khoa cũng được nâng lên. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên được triển khai và đạt kết quả tốt. Tiêu biểu như: Đề tài dùng khí ôxy phục vụ vận chuyển cá giống; Cho cá mè hoa đẻ nhân tạo; Nghiên cứu, chiết xuất thành công kích dục tố prolan B để kích thích cho cá đẻ tái phát lên hai, ba lần với số lượng nhiều và chất lượng tốt. Các công trình nghiên cứu này đã giúp cho phong trào nuôi cá nước ngọt nói riêng và kinh tế Thủy sản ở Miền Bắc nói chung phát triển mạnh.
Ngày 5/8/1964, Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi ở Miền Bắc. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng ủy Trường Đại học Nông nghiệp và Liên chi bộ Khoa Thủy sản chỉ đạo việc chuyển hướng học tập từ thời bình sang thời chiến, trong đó đề cao vai trò tự quản của các lớp sinh viên, quyết tâm giữ vững chất lượng dạy, học.
Để chủ động ứng phó với tình hình thời chiến, một số lớp sinh viên phải sơ tán về các tỉnh Cao Bằng, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng. Tại đây, được sự đùm bọc của nhân dân, toàn thể cán bộ giảng viên và sinh viên đã nhanh chóng ổn định học tập. Trong những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1964 - 1966, biết bao gian lao vất vả, với những buổi học trong tiếng súng, tiếng gầm rú của máy bay địch, nhưng thầy và trò Khoa Thủy sản vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, giữ vững được nề nếp trong sinh hoạt, học tập. Công việc giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu không lúc nào gián đoạn. Khoa Thủy sản vẫn không ngừng trưởng thành cả về quy mô, chất lượng cũng như về cơ cấu tổ chức. Các khóa kỹ sư nối tiếp nhau ra trường và làm việc có hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, làm cho vị thế Khoa Thủy sản ngày càng được khẳng định trong xã hội. Sự lớn mạnh đó là điều kiện, tiền đề thuận lợi để Khoa trở thành một trường đại học độc lập, đảm nhận nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế của ngành trong giai đoạn mới.
Quá trình hình thành và phát triển của Khoa Thủy sản, giai đoạn 1959 -1966, đã để lại cho các thế hệ sau bài học truyền thống quý báu về sự đoàn kết gắn bó, tự lực cánh sinh, cần cù sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành Thủy sản nước nhà. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên Nhà trường hôm nay nguyện chung sức đồng lòng, nỗ lực thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Nhà trường trở thành một cơ sở giáo dục đại học phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục têu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Ngô Văn An - Phòng CTCT&SV